Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

HO CHI MINH CHU TRUONG AM SAT TAT CA NHAN TAI DE TRANH NGOI BA CHU ( PHAN I )

Chính sách gian trá và đường lối bạo lực
của cộng sản trong việc đàn áp
các đảng phái quốc gia
Nguyễn Đức Cung
“…từ năm 1945 cho đến ngày nay, chính quyền Cộng Sản vẫn sử dụng chính sách gian trá và đường lối bạo lực đối với những ai bất đồng chính kiến với họ với mục đích duy nhất là nắm chắc được quyền hành trong tay …”
Trong cuốn hồi ký nổi tiếng có tên Một cơn gió bụi, sử gia Trần Trọng Kim đã viết như sau về chính sách của Việt Minh đối với các chính đảng quốc gia:
“Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi họ đánh được , thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian người ta thường có câu “nói như Vẹm”. Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt V.M., đọc nhanh mà thành ra.”[1]
Ngòi bút của sử gia họ Trần viết ra cách đây trên nửa thế kỷ nhận định về thủ đoạn của Cộng Sản Việt Nam thật chính xác với bản chất và chân tướng của Hồ Chí Minh cùng bọn đàn em cầm quyền dưới chế độ CS. Thật vậy, từ năm 1945 cho đến ngày nay, chính quyền Cộng Sản vẫn sử dụng chính sách gian trá và đường lối bạo lực đối với những ai bất đồng chính kiến với họ với mục đích duy nhất là nắm chắc được quyền hành trong tay không chia chác cho bất cứ một ai. Bản chất gian trá và hành động bạo lực của họ thể hiện qua việc nguỵ tạo hai biến cố phố Ôn Như Hầu tại Hà Nội và vụ cầu Chiêm Sơn tại Quảng Nam năm 1946 mà mục đích lừa bịp dư luận, bôi đen đối thủ chính trị nhằm loại đối phương ra ngoài đấu trường chính trị, tiêu diệt các chính đảng quốc gia trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng hay Quốc Dân Đảng Việt Nam, một kết hợp giữa ba chính đảng gồm Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam, và Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh, rồi tiến đến tiêu diệt các bộ phận của tổ chức chính trị mới này khắp nơi trên toàn quốc.

Từ đó đến nay, nhiều tài liệu của Cộng Sản đã cố tình xuyên tạc sự thật về hai biến cố nói trên. Bài viết của chúng tôi đưa ra một cái nhìn tổng hợp qua một số tư liệu khả tín nhằm phản biện lại luận điệu vu cáo bẩn thỉu của chế độ Cộng Sản, mong trả sự thật về cho chân lý lịch sử. Nhưng trước khi đi sâu vào việc trình bày sự thật về hai biến cố đó, thiết tưởng cần có một cái nhìn quán xuyến về quá trình tranh chấp chính trị liên hệ tới Việt Nam trước khi thế chiến II kết thúc cùng sự hình thành Mặt Trận Quốc Dân Đảng thể hiện sức đấu tranh của các chính đảng quốc gia yêu nước giữa một tình thế vô cùng khó khăn và phức tạp trong giai đoạn lịch sử 1945 46.

1. Vụ án mở đầu cho các tranh chấp chính trị Quốc Cộng trước Thế chiến II

Cuối năm 1924, nhận nhiệm vụ của Đảng Cộng Sản Liên Xô trong mục tiêu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản qua Châu Á, Hồ Chí Minh được gửi sang Trung Hoa làm việc cho hãng thông tấn Xô Viết Rosta dưới sự điều động của Mikhail Borodin, trưởng đoàn cố vấn Comintern lúc bấy giờ đang cộng tác với Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tôn Dật Tiên. Nhiều tư liệu nói về sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc tại Trung Hoa dưới bí danh Lý Thuỵ, nhưng các nhiệm vụ bên ngoài của ông thì khác nhau. Mục tiêu của Lý Thuỵ là chiếm đoạt các tổ chức của các nhà cách mạng Việt Nam đã sang Tàu trước đây để làm vốn liếng chính trị, loại trừ ảnh hưởng của các đối thủ quốc gia mà hình ảnh trước mắt Thuỵ là cụ Phan Bội Châu để giải toả các trở lực trong việc bành trướng chủ nghĩa cộng sản quốc tế trên vùng đất mới. Vả chăng mặc dù cụ Phan là bạn của thân phụ mình là Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, nhưng Thuỵ cũng không cần lưu tâm đến vấn đề đó.

Trong cuốn Ba nhà chí sĩ họ Phan, tác giả Đào Văn Hội cho biết nội dung việc Lý Thuỵ và Lâm Đức Thụ (tức Nguyễn Công Viễn) bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp như sau:
“Sau khi cụ Phan đi Hàng Châu rồi, Lâm Đức Thụ và Lý Thuỵ triệu tập một kỳ hội nghị có hết thảy các anh em cách mạng có mặt ở Quảng Châu, trừ ra cụ Nguyễn Hải Thần, để trưng cầu ý kiến, về nhiều vấn đề quan trọng, nhứt là vấn đề tài chính.

Không ai giải quyết được vấn dề nầy, Lâm Đức Thụ bèn đưa ra một đề nghị là “phải hy sinh một người trong anh em, hoặc về danh tiếng hay tánh mạng, miễn là đạt được mục đích có lợi cho công cuộc cách mạng”.

Hội nghị tán thành nguyên tắc ấy rồi, Lâm nói tiếp:

“Xét ra người mà ta có thể đem ra làm vật hy sinh ấy là cụ Phan Bội Châu. Tại sao tôi lại chọn cụ Phan mà không chọn cụ Mai Sơn hoặc cụ Hải Thần? Là vì tôi đã từng phen ướm hỏi cụ Phan nếu gặp trường hợp phải hy sinh cụ để làm lợi cho cách mạng thì cụ có chịu không? Cụ đã khẳng khái trả lời tôi thế nầy: “Tôi bôn ba hải ngoại, khi Hương Cảng, lúc Hoành Tân, chốc đã ngoài 20 năm rồi mà rốt cuộc chỉ vấp phải thất bại hoài, thêm phần tuổi đã cao, gối đã mòn, nếu có dịp được hy sinh cho tổ quốc thì dẫu chết tôi cũng vui lòng!”

“Hai nữa, cụ là tượng trưng của cách mạng tiếng tăm đã lừng lẫy trong nước cũng như trên trường quốc tế, thực dân e dè và ước muốn cụ lắm. Họ cho rằng Cụ là linh hồn của đám Đông Du, nếu bắt được cụ, tức là phong trào tan rã.

“Vả lại, cụ đã gần đất xa trời, ngoài việc viết báo kiếm ăn, năng lực bất quá cũng chẳng giúp ích gì cho công cuộc vận dộng cách mạng cho bọn ta được mấy.

“Vậy tôi mạnh bạo đề nghị với anh em là bắt cụ nộp cho lãnh sự Pháp, tất nhiên họ phải hậu tạ ta một món tiền lớn. Tiền ấy ta sẽ dùng vào công việc vận động cho đoàn thể ở nước nhà.

“Đem cụ Phan nộp cho Pháp, ta sẽ thâu được hai cái lợi:

“Một là sau khi giải cụ về Hà Nội, tất nhiên thực dân lập Hội đồng đề hình xét xử, cụ sẽ trổ hết tài hùng biện mà biện hộ cho mình. Các báo trong nước sẽ viết những bài tường thuật và tinh thần cách mạng nhờ đó mà lan tràn và phổ cập trong hết các từng lớp dân chúng xã hội V.N.

“Hai nữa là sẵn món tiền thưởng trên kia, ta sẽ phái anh em về nước mà tổ chức các chi bộ rồi đưa thanh niên ra huấn luyện cho nhiều thì cộng việc của ta mau có kết quả.”

Hội nghị bàn luận sôi nổi, sau cùng, mấy lý lẽ của Lâm làm xiêu lòng cử toạ và Lâm được hội nghị ủy cho toàn quyền hành động.” [2]
Mấy hôm sau, người ta theo dõi và thấy Lâm Đức Thụ liên lạc với Phan Vị, một nhân viên cao cấp trong toà lãnh sự Pháp ở Hương Cảng một cách rất thân mật.

Trong cuốn Tự Phán, tập hồi ký cách mạng của mình, cụ Phan Bội Châu kể rõ chuyện cụ bị mật thám Pháp bắt như sau:
“Ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu (1925) tôi gấp lên Thượng Hải, tính làm xong việc gửi bạc đi Béc lanh thì tức khắc xuống thuyền đi Quảng Đông. Bởi vì thuyền Thượng Hải đến Quảng Đông, chỉ 5 ngày. Khi tôi ở Hàng Châu xuất phát, có mang theo bạc Tàu 400$ tức là số bạc gửi cho ông Trần. Ai dè lúc tôi ra đi mà thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp.

12 g chính trưa ngày 11 tháng 5 âm lịch, xe lửa Hàng Châu đi đến Bắc trạm tôi vì nóng gửi bạc cho ông Trần, nên gởi đồ hành lý ở nhà chứa đồ, chỉ nách một cái ca bâng (va li nhỏ) đi ra cửa ga thì thấy có một cỗ xe khá lịch sự, đứng xung quanh có bốn người Tây phương, tôi không nhận ra được là người Pháp. Bởi vì xứ Thượng Hải người Tây phương nước nào cũng có, khách sang trọng biết chừng nào mà kể; đem xe hơi rước khách cũng là thông lệ các lữ quán to. Tôi có biết đâu xe hơi này là do đồ của kẻ cướp bắt cóc người đâu? Tôi mới ra khỏi cửa ga vài bước, thì thấy có một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi, dùng tiếng quan thoại mà nói với tôi rằng: “Trưa cơ xế hấn hào, xêng xiên sân sang xê”, tôi đương cự rằng: “Úộ bú giảu”. Thình lình ba người tây nữa ở sau xe, hết sức đẩy tôi lên xe, máy xe tức khắc vặn thì tôi đã vào tô giới nước Pháp! Xe chạy đến bờ bể binh thuyền nước Pháp đã chực sẵn ở đó rồi! Tôi thành ra người tù ở trong tàu binh.” [3]
Khoảng tháng 7 năm 1925, một chiến hạm Pháp từ Thượng Hải chở cụ Phan đến Hương Cảng rồi chuyển sang tàu Angkor của hãng Nhà Rồng đưa về Hải Phòng.

Nhà nghiên cứu sử học Trung Hoa, Tưởng Vĩnh Kính, trong tác phẩm Hồ Chí Minh tại Trung Quốc cũng đã để nhiều công sức nghiên cứu về những tranh chấp chính trị của Lý Thuỵ trong thời gian sống tại Trung Hoa, đã có những ghi nhận một số kết quả về tài chính qua việc cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải như sau:
“Sự việc xong, hai người chia đôi số tiền một trăm ngàn đồng đó. Ông Hồ đã dùng phần tiền của ông để tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội; còn Thụ thì dùng tiền đó để tiêu phí trong các hộp đêm tại Hương Cảng. Và từ đó, Hồ, Thụ, hai người còn tiếp tục hợp tác trong nhiều năm nữa để bán các đồng chí của cụ Phan. Nguyên vì lúc bấy giờ, các thanh niên Việt Nam trốn sang Quảng Châu để xin vào học trường võ bị Hoàng Phố rất đông. Những ai chịu theo Hồ gia nhập Đồng Chí Hội, thì sau khi học xong, sẽ được bảo đảm bí mật trở về nước an toàn; còn những ai vẫn trung thành với tổ chức của cụ Phan, khi về đến biên giới Hoa Việt, tức thì bị mật thám Pháp bắt ngay. Những người này sở dĩ bị bắt, vì trước đó Hồ đã báo cho Thụ ở Hương Cảng biết, Thụ đem ảnh của họ nộp cho lãnh sự Pháp ở Hương Cảng. Sau khi họ bị bắt, Hồ và Thụ lại được chia nhau tiền thưởng.” [4]
Trong mối liên quan tới việc bán cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp có ba người được nêu đích danh là Hồ Chí Minh, Lâm Đức Thụ và Nguyễn Thượng Huyền, cháu gọi cụ Nguyễn Thượng Hiền bằng chú ruột. Sử gia William J. Duiker trong tác phẩm Ho Chi Minh, a life viết rằng chính Phan Bội Châu cho biết kẻ chỉ điểm cho Pháp bắt mình là Nguyễn Thượng Huyền, nhưng theo sự phân tích của Minh Võ qua những dòng trong Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu chỉ cho biết được nghe nói như thế và tin theo chứ không hề xác định với bằng chứng nào. [5] Cũng theo Minh Võ, sử gia Phạm Văn Sơn đã đề cập đến việc này và cho rằng Phan Bội Châu đã nghi oan cho Nguyễn Thượng Huyền. Chính Nguyễn Thượng Huyền đã lên tiếng khi biết nội vụ vào dịp về Việt Nam – “khoảng năm 1965, cụ Nguyễn Thượng Huyền có về Việt Nam và đăng một bài cải chính nói rõ vụ việc trên tờ Bách Khoasố 73”. [6] Còn Lâm Đức Thụ, theo ghi nhận của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, đã khoe đó là thành tích do chính mình đạt được. [7]

Vì thế, theo Minh Võ, “việc bán Phan Bội Châu cho mật thám Pháp có thể coi là sự việc khơi gợi cho một phương pháp hành xử của Hồ Chí Minh và cũng có thể coi là hành vi mở đầu cho một phương pháp đã được trù tính trước.” [8]

David Halberstam trong cuốn Ho, xác nhận việc Hồ Chí Minh báo cho mật thám Pháp bắt cụ Phan Bội Châu để lãnh 150.000 bạc Đông Dương. [9]

Sau khi cụ Phan Bội Châu bị bắt, Lý Thuỵ nắm lấy tổ chức Tâm Tâm Xã (cũng còn gọi là Tân Việt Thanh Niên Đoàn) [10] của cụ Phan, biến nó thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với các thành phần từng theo cụ Phan gồm 6 người như Lâm Đức Thụ tức Trương Béo (tức Nguyễn Công Viễn), Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giản Khanh và Đặng Xuân Hồng.
Trong sách Việt Nam 1945 1995, Chiến tranh, Tị nạn, bài học lịch sử, Tập I, giáo sư Lê Xuân Khoa cho biết trong thời gian chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Yên Bái, VNQDĐ có mời một số đảng viên cộng sản tham gia nhưng Trần Văn Cung không đồng ý vì cho rằng cuộc khởi nghĩa thiếu chuẩn bị và chưa có được thời cơ. Sách này cũng cho biết Nguyễn Ái Quốc về sau cũng tìm cách ngăn cản cuộc khởi nghĩa này nhưng không thể liên lạc được với VNQDĐ. [11]

Tuy nhiên theo Hoàng Văn Đào trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, “Trong những giờ phút nghiêm trọng ấy, cán bộ ĐDCSĐ (Đông Dương Cộng Sản Đảng) rải truyền đơn khắp nơi, tố cáo VNQDĐ sắp tấn công Bắc Kỳ. Cô Giang cầm tờ truyền đơn trao cho Nguyễn Thái Học xem, Nguyễn Thái Học đập bàn thét to: “Tôi không tin! Vì có thể nào anh em cộng sản lại có thể hành động như thế được!”. [12]

Trên đây là những mầm mống xung đột trong quá trình tranh chấp quyền lực giữa phe cộng sản với người quốc gia mà đỉnh cao là những cuộc đụng độ trong giai đoạn 1945 46. William J. Duiker, trong Ho Chi Minh, đã ghi lại quan điểm của Nguyễn Ái Quốc “thường nhận định rằng những cuộc liên kết như vậy với các đảng phái quốc gia có thể hữu ích nhưng chỉ cho mục tiêu chiến thuật mà thôi.” [13]

Đối với những người theo Đệ Tứ Quốc Tế, nhóm Đệ Tam Quốc Tế khi thì chống đối, lúc lại hợp tác, thí dụ cuộc bầu cử Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, năm 1937, cả hai hệ phái cùng đưa người ra tranh cử, một người là Tạ Thu Thâu thuộc phe Trốt Kít, hai người kia là ông Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai thuộc hệ phái Stalin. Nhưng liền sau đó hai hệ phái lại tuyên bố tách rời [14]. Hồ Chí Minh luôn khẳng định trong các báo cáo của ông gửi cho Quốc Tế Cộng Sản: “Đối với phe Trotsky, không thể liên minh, cũng không khoan nhượng. Hãy tận dụng mọi biện pháp vạch trần bộ mặt thật tôi mọi của các tên phát xít; hãy diệt sạch bọn chúng trên địa bàn chính trị.” [15]

Ở một dịp khác, Hồ Chí Minh tỏ ra hằn học quyết liệt hơn khi nói rằng: “Chúng ta không thể nhượng bộ điều gì cho nhóm Tờ Rốt Kít. Chúng ta phải làm tất cả mọi việc có thể được để lột mặt nạ của chúng là những con chó của Phát Xít và tiêu diệt chúng về chính trị.”[16]

Một sự kiện lịch sử cần nhắc lại ở đây để thấy rằng nhất cử nhất động của Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Lý Thuỵ đều tuân hành theo chỉ thị của Liên Xô. Ngày 3 2 1930, Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp thống nhất ba đảng Cộng Sản VN nhân xem một trận đấu bóng tròn tại một sân lộ thiên ở Hương Cảng, với cái tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam mà ý chỉ của Hồ là thành lập đảng “cách mạng xã hội chủ nghĩa dân tộc” [17]. Nhưng trong kỳ đại hội đại biểu kỳ 1 tổ chức tháng 10 năm 1930, tên đảng lại được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương, với Trần Phú (bí danh Lí Quí) từng được huấn luyện ở Liên Xô, làm tổng bí thư. Liên Xô muốn Việt Nam thực hiện chương trình cách mạng vô sản quốc tế hơn là “cách mạng dân tộc” nên đã ra lệnh đổi chữ Việt Nam thành Đông Dương trong đảng danh. Bởi vậy, việc Hồ Chí Minh bán cụ Phan cho Pháp, cán bộ CS tố cáo cuộc khởi nghĩa Yên Bái của VNQDĐ, chống đối, thủ tiêu các nhóm người thuộc Đệ Tứ Quốc Tế và sau này tàn sát các lực lượng chính đảng quốc gia, các tôn giáo chống đối chủ nghĩa vô thần cũng nằm trong sách lược chung của Cộng Sản Quốc Tế.

Trong cuộc họp báo ngày 8/12/2008 do nhà xuất bản Sabine Wespieser và Le Livre de Poche tổ chức tại Centre National du Livre ở Paris, ra mắt tiểu thuyết Au Zénith (“Đỉnh cao chói lọi”), bản dịch Việt ngữ do ông Đặng Trần Phương, 53 tuổi, Việt kiều tại Paris dịch, Dương Thu Hương tác giả cuốn sách đó, đã đưa ra chứng cớ bác bỏ thuyết cho rằng ông Hồ Chí Minh đã “bán đứng nhà chí sĩ Phan Bội Châu cho thực dân Pháp” là không có cơ sở. Vì cuốn sách mới của Dương Thu Hương chưa phổ biến đến bạn đọc nên chúng ta sẽ chờ xem bà Dương Thu Hương đã viết những gì trong đó.[18] Dĩ nhiên sử học không phải là văn chương hư cấu nhưng đòi hỏi phải có sử liệu nghĩa là nói có sách mách có chứng.

Không có nhận xét nào: