Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

AC THU HO CHI MINH GIET NU THANH NIEN MIEN BAC TREN DAY TRUONG SON (PHAN I )

Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: nữ thanh niên xung phong
Xem phần 1 và 2.
Phương Hoà dịch
III. Một lực lượng giữa lòng chiến tranh: việc đem thân xác ra thử thách
“Những bông hoa trên tuyến lửa” chắc chắn là cụm từ có ý nghĩa nhất và thường xuyên được sử dụng để tóm tắt số phận bi thảm của những cô gái TNXP ngoài mặt trận[1]. Do lực lượng TNXP được hình thành từ hơn 50% là nữ và do người ta vẫn chưa làm được gì nhiều để biết được số phận của họ ra sao, chúng ta hãy thử xem hiện nay chiến tranh còn dai dẳng như thế nào trong thịt da của những đóa “Hoa lan trong rừng cháy” này, như nhà văn Minh Lợi đã nhắc đến điều đó trong truyện ngắn của mình[2]. Từ vài năm nay, những cựu Nữ TNXP thuật lại sự thật họ đã trải qua và nó khác hẳn với chủ nghĩa anh hùng mà Nhà nước vẫn tuyên truyền. Những câu hỏi liên quan đến thân xác của phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh bắt đầu lộ rõ qua lời kể của những người còn sống sót. Thông qua những câu chuyện kể của họ, họ đòi hỏi phải có một cách nhìn nhận nhất định về chiến tranh gắn liền với nhận định của Svetlana Alexievitch: “Những câu chuyện kể của phụ nữ có một bản chất khác và bàn về một chủ đề khác. Chiến tranh, dưới mắt phụ nữ, có những màu sắc riêng, những mùi vị riêng, cách giải thích riêng và không gian tình cảm riêng của họ. Cuối cùng là những từ ngữ riêng. Người ta thấy trong những câu chuyện đó không có anh hùng cũng chẳng có những chiến công phi thường nào, mà đơn giản chỉ là những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân tính của con người ”[3].
Nói chung, những lời chứng của phụ nữ thường nhuốm vẻ rụt rè, rụt rè vì bản tính phụ nữ, rụt rè vì tập thể mà mình đang sống cùng. Về việc rụt rè cho tập thể, nhà nghiên cứu Zineb Ali Ben-ali có nói về vấn đề “chối từ ký ức” và “dấu vết” văn chương bằng cách liên hệ đến trường hợp chiến tranh ở Algeri. Nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định nền tảng: “cũng như việc lãng quên (một số) lực lượng tham gia vào cuộc chiến, chúng ta lãng quên sự khổ đau mà họ đã phải hứng chịu. Thực tế, người ta hay bỏ qua khía cạnh này của cuộc chiến […..]. Bỏ qua những lực lượng bị đau khổ cũng dẫn đến việc lãng quên sự tham gia của lực lượng nữ giới.”[4] Lời chứng của một trong các nữ TNXP miền Nam từng bị vây hãm bởi kẻ thù, đã tóm gọn những khổ đau bằng những lời sau: “sốt rét, tóc rụng, ăn rau rừng lót dạ, nhiều bạn đã lả đi. Chúng tôi phải mở đường máu để vào vùng có dân, bòn từng lon gạo nấu cháo cho anh em”.[5]
Tất cả những cựu đội viên TNXP đều xác nhận như thế. Điều kiện sinh hoạt dọc đường mòn HCM vô cùng cam khổ. Trong hồi ký của mình, tướng Đồng Sỹ Nguyên, chính ủy Đoàn 559, phụ trách điều hành quân sự trên tuyến đường này, nhiều lần nhắc đến những cam go cận kề cái chết dành cho các lực lượng chiến đấu cũng như TNXP.[6] Để đề cập đến vấn đề gian khổ của chiến tranh, rặng Trường Sơn là minh chứng hùng hồn. Trong vùng “rừng thiêng nước độc” này không thiếu chỗ cho những đe dọa đến tính mạng: bệnh sốt rét, cái đói và cái chết; hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, bùn lầy, đỉa, tai nạn hàng ngày, bom đạn, chất độc hóa học… Cảm giác bao trùm là sự đau đớn, sợ hãi và nỗi kinh hoàng. Chúng ta hãy cùng xem xét một số tác nhân chính làm suy yếu lực lượng.
Sốt, đói và khát. Tác nhân đầu tiên, đó là sốt. Bệnh ảnh hưởng đến toàn lực lượng. Theo Hoàng Công Ánh, phụ nữ đặc biệt là nạn nhân của bệnh này.[7] Dọc đường mòn HCM, bệnh tấn công cả lực lượng chiến đấu lẫn TNXP. Sốt không chỉ gây ra do khí hậu. Bác sĩ phẫu thuật Lê Cao Đài báo cáo về việc các loại bò cạp, nhện rừng cũng gây ra những vết cắn đau nhức, sưng tấy[8]. Thêm vào đó là các con đỉa, vắt, là nỗi lo sợ của các cô gái.[9] Các loại bọ “đen và to”[10], các loại côn trùng đủ loại, tham lam hút máu người gây ngứa ngáy, sưng tấy trên da thịt. Thân thể mỏi mệt và ẩm ướt là nơi lý tưởng thu hút bầy muỗi và ruồi vàng nhiều vô kể.[11] Tất cả đã khiến cho cơ thể nhiễm cơn sốt tàn tạ.
Tiếp theo là cái đói. Cái đói gặm mòn các cô gái TNXP. Các con số có được về khẩu phần ăn khiến người ta kinh ngạc. Theo qui định, mỗi đội viên được hưởng 24 kg gạo mỗi tháng. Nhưng do vì gạo thường thiếu hoặc không đến được bởi các trận đánh bom, khẩu phần ăn giảm sút nghiêm trọng, có thể chỉ còn 4 kg mỗi tháng cho một người.[12] Đôi khi chỉ có cháo để ăn. Muối thường thiếu và rau tươi thì hầu như không có. Để bù đắp, các cô hái rau rừng; đôi khi các cô may mắn hái được rau rừng, nhưng cũng nguy hiểm vì rau có thể nhiễm chất độc hóa học. Vì thế đa số các cô gái có biệt tài hái rau rừng và được gán cho biệt danh “các bà chúa rau rừng”.[13] Đặc biệt vào mùa mưa, măng rừng mọc rất nhiều trở thành nguồn rau tươi chủ yếu.[14] Nhiều khi các cô săn được khỉ và đó là các dịp có thịt tươi để cải thiện bữa ăn, dù việc giết thịt như thế trông có vẻ dã man.
Để cải thiện, các cô gái TNXP nghĩ ra một số cách. Các cô tìm cách tiếp cận trạm hậu cần số 16, liên hệ xin thực phẩm của các đơn vị chiến đấu; đổi lại là các màn biểu diễn nghệ thuật hoặc ca nhạc.[15] Sự thiếu thốn trầm trọng thực phẩm đã khiến mọi người nghĩ nhiều đến cái ăn, đến sự ghen tị và phương thức để làm sao có thêm cái ăn. Việc phân phối khẩu phần dựa vào vị trí chức vụ.[16] Và trong thực tế, họ thường góp thực phẩm để ăn chung với nhau.
Cùng với nỗi khổ của cái đói là cái khát vào mùa khô. Nguyễn Thị Lan, một cựu đội viên kể lại câu chuyện sau đã xảy ra trên đường HCM: “Một lần hành quân giữa rừng, phát hiện một hố bom đầy nước, chúng tôi xúm vô vốc đầy bi đông và uống cho đã khát, đến lúc ai đó khẽ nhá đèn pin mới phát hiện toàn xác người”.[17]
Phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ cam khổ, lực lượng đóng trên đường mòn HCM, đặc biệt các lực lượng có vị thế thứ yếu trong tổ chức quân đội nhân dân, phải buộc lòng tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại, từ việc hái rau dại, củ rừng đến săn thú rừng hay bắt ăn các loại côn trùng có chứa chất protein. Thông thường chất hóa học do địch rải xuống làm giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng này từ núi rừng.[18]
Sự suy tàn thể chất. Tiếp xúc với chiến tranh, ở mặt trận hoặc trong chiến khu, đã khiến cho sức khỏe của các cô gái suy kiệt. Huỳnh Thị Tiếp, một đội viên TNXP của lực lượng Giải phóng Miền Nam nhớ lại mình không muốn nhìn vào gương để khỏi thấy sắc diện đang dần xuống của mình.[19] Khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn đã khiến da nổi ghẻ, tóc trên đầu nhiều chấy rận, các bộ phận kín trong người ngứa ngáy đến phát điên. Tóc đầy gầu, bạc màu và dần rụng.[20] Bọ bám trên người khiến cho các cô không ăn, ngủ được.[21] Dương Thu Hương chua chát nhận xét về mối gắn bó chặt chẽ giữa loại bọ với chiến tranh: “Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hằng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông hoàng bà chúa. Chúng đước tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ vì, so với lệ phí của bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm…”[22]
Sự ẩm ướt thường trực và việc không thể hong tóc cho khô đã tác động tinh thần các cô gái.[23] Ghẻ lở và nấm mốc hoành hành, theo cách nói của Nguyễn Văn Đệ. Chúng tấn công mọi ngóc ngách trên cơ thể: kẽ bàn tay, bàn chân, háng, nách và cuối cùng phát triển cả ở bầu vú. Các vùng ẩm ướt đều dần dần bị ảnh hưởng. Không thuốc men, không điều kiện tắm rửa kỹ lưỡng, tình trạng quá khắc khổ này tác động ngay đến tinh thần, công việc, sức khoẻ và còn để lại những hậu quả nặng nề sau chiến tranh.[24] Thảm họa này ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị TNXP toàn nữ, làm cho giới lãnh đạo lực lượng lo lắng và cảnh báo Bộ Y tế, nhưng dường như cơ quan này cũng bị bất ngờ. Biết các cô gái bị những vết loét trên ngực, nhưng những người lãnh đạo quân đội ở Hà Nội chỉ có thuốc đỏ để gửi cho họ.[25]
Vấn đề vệ sinh vùng kín của phụ nữ ít được đề cập tới, bởi đó là chuyện rất riêng của nữ giới. Về nguyên tắc, một đơn vị nữ TNXP hơn 500 người thì được tiếp nhận thêm một nữ bác sĩ đặc trách “bệnh phụ nữ”.[26] Một cựu Phụ trách Đội Nữ TNXP, cảm thông cho tình cảnh của chị em trong đơn vị mình, đã viết bản tường trình về “bệnh phụ nữ”, liên quan đến tình trạng vệ sinh kinh nguyệt, cho biết về việc thiếu thuốc men, băng vệ sinh, đồng phục để thay và ít có điều kiện tắm rửa.[27] Một tài liệu về “Thể dục vệ sinh với TNXP”, xuất bản năm 1973, trong chiến tranh, trở lại vấn đề kinh nguyệt và những nguyên tắc vệ sinh cần phải tuân thủ. Cuối tập tài liệu là nhắc nhở tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh hàng ngày, và những lời khuyên không thể nào thực hiện được tại chỗ trong tình hình lúc bấy giờ.[28] Về công việc làm thì được khuyên là trong những ngày hành kinh thì “làm việc ít hơn ngày thường”. Lẽ ra, do tình trạng yếu sức đương nhiên của thời kỳ kinh nguyệt, các cô không phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt, mưa to gió lớn. Và rồi trọng điểm của bệnh tật là từ những rối loạn kinh nguyệt, nguyên nhân dẫn đến, và thái độ phải đương đầu với thực trạng, làm sao để tránh bớt ảnh hưởng.[29] Về phương diện vệ sinh, với những lời khuyên trong tài liệu, nếu nó xứng đáng được in ra, thì người ta chỉ biết tự hỏi làm sao các cô gái có thể áp dụng được trong điều kiện giữa rừng sâu và dưới đạn bom? Rất nhiều những dẫn chứng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn thi đua yêu nước chỉ là sự áp đặt. Dù gió giông, dù mưa bão, dù đêm khuya, trời quá nóng hay quá lạnh, các cô gái TNXP đều phải chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt bất kể đặc điểm riêng của nữ giới. Hầu hết các cô đều bị các vấn đề rối loạn về kinh nguyệt, như tắt kinh, bất thường hoặc đau đớn, và điều này, trong bối cảnh thiếu thốn thuốc men và băng vệ sinh nên chỉ có miếng vải mà thôi.[30]
Nguyễn Văn Đệ trở lại vấn đề tắm rửa của TNXP sau một ngày làm việc mệt nhoài, theo ông, đó là “một vấn đề nan giải”: “Con trai còn qua loa chịu được, nhưng chị em thật là cực hết sức, nhất là những chị em bị bệnh ngoài da, đêm nằm ngứa không sao chịu nổi”.[31] Nhu cầu tắm rửa càng được nhân lên trong điều kiện thiếu thốn quần áo, hết sức bất tiện: “Khó khăn nhất là các đội viên nữ. Những ngày đến tháng vẫn phải mặc quần áo ướt suốt ngày để đi làm. Đến một vuông vải xô để thay cũng thiếu”.[32] Những dẫn chứng cho thấy tình trạng thiếu thốn là phổ biến, đặc biệt ở vùng ác liệt của chiến trường.
Thân thể bị tàn phế. Những vết thương tàn phá cơ thể, tay chân đã đành, ngực và đầu cũng không tránh khỏi. Cựu chiến sĩ TNXP, Nguyễn Thị Vân đã kể lại trong phim tài liệu Những cô gái bị bỏ quên của đường Trường Sơn rằng cô bị thương ở phổi, sườn và ngực. Nhà văn Cao Tiến Lê kể trong truyện ngắn “Tiếng đêm” một hình ảnh cảm động giữa một chiến sĩ lái xe với một cô TNXP, giao liên trên đường Trường Sơn. Trêu sự vụng về của cô gái trong khi đang ngắm nhìn cô, anh chưa phát hiện ngay cô là thương binh. Sau khi mời cô uống nước, anh mới bắt đầu quan sát cô qua ánh lửa pháo sáng: “Việt sững sờ khi nhìn vào hai tay đang bưng nước. Trời ơi! Hai bàn tay không có. Từ cổ tay trở ra đã bị cắt cụt. Cô kẹp ca nước giữa hai cùi tay. Thấy Việt nhìn sững sờ, như tủi thân, cô đặt ca nước lên thùng, ngồi xuống thu cùi tay giữa hai đầu, rồi quay mặt sang chỗ khác”.[33]

1 nhận xét:

Long Điền nói...

Bài có giá trị về tội ác của Hồ và bè lủ CSVN có nợ máu với Dân Tộc Việt Nam.
Tài liệu có giá trị cao vì là tin tức thật của thời chiến còn lại .
Long Điền 25.8.2010